TT - Không phải chuẩn bị cho năm học 2013-2014 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM mới rậm rịch việc thu học phí “vượt trần”, mà việc thu vượt đã được thực hiện từ năm học 2010-2011.
Ông Bùi Hồng Quang, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính, Bộ GD-ĐT, cho biết nhà trường nếu thực hiện việc tăng học phí thì vẫn phải luôn bảo đảm học phí toàn khóa học đối với từng nhóm ngành không vượt khung quy định. Mới đây, Bộ GD-ĐT cũng đã nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ yêu cầu bộ cho ý kiến về các khoản thu ngoài chế độ của 21 trường ĐH, CĐ trực thuộc Bộ Công thương (trong đó có Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) năm 2010-2011 sau khi có kết quả kiểm toán.
Yêu cầu dừng ngay
Bộ GD-ĐT đã có văn bản trả lời, trong đó nêu rõ quan điểm yêu cầu nhà trường chấm dứt ngay việc thu các khoản ngoài chế độ, học phí vượt quy định hiện hành. Bộ GD-ĐT cũng đề nghị nhà trường phải thu đúng, thu đủ, theo đối tượng đã quy định trong các văn bản hiện hành.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhất trí với Bộ Tài chính về quan điểm không truy thu những khoản nhà trường thu vượt để dùng đầu tư cho hoạt động cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị. Vấn đề là Bộ Công thương cần thiết kiểm tra công tác tài chính của nhà trường, tính toán cụ thể nguồn thu của trường cùng các nhiệm vụ chi xem họ có bảo đảm được khả năng tự chủ hay không, họ có thể lấy nguồn ở đâu để giao tự chủ” - ông Quang đặt vấn đề.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên viên Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ GD-ĐT cho hay hiện các trường ĐH, CĐ phải áp dụng quy định chung về mức học phí chia theo ba nhóm ngành: khoa học xã hội - nhân văn, kinh tế, nông, lâm, thủy sản; khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch và nhóm ngành y dược, chứ hoàn toàn không có quy định nào phân chia học phí theo tín chỉ lý thuyết và thực hành.
Thực tế một số trường đã vận dụng cách chia loại tín chỉ này để thu học phí khác nhau. Vì không có trong quy định nên nếu thực hiện trường phải báo cáo, xin ý kiến Bộ Công thương, Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, xin ý kiến Chính phủ, nhưng đến thời điểm này Bộ GD-ĐT chưa nhận được văn bản nào về việc phân chia loại tín chỉ theo cách này. Kể cả khi nhà trường đưa ra các mức khác nhau vẫn phải bảo đảm nguyên tắc tổng học phí theo tín chỉ không được phép vượt mức học phí theo niên chế toàn khóa.
Thu học phí vượt mức 15 tỉ đồng/năm
Khi Tuổi Trẻ đưa câu chuyện bức xúc của sinh viên về mức thu học phí vượt trần của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM ra trao đổi, bà Nguyễn Hồng Dương - phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Bộ Công thương - cho hay đến thời điểm này Bộ Công thương chưa biết được cụ thể mức thu học phí cho năm học tới của trường là bao nhiêu, có vượt mức hay không. Theo đó, “chỉ sau này khi quyết toán sổ sách mới có thể xác định nhà trường thu vượt hay không và vượt ở mức nào”.
“Ở các ngành đào tạo khối công nghiệp, các trường phải dạy thực hành nhiều hơn lý thuyết thì họ có thể đặt vấn đề thu thêm, chủ yếu để bảo đảm điều kiện thực hành. Theo chính tính toán của Bộ Tài chính, học phí hiện tại chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu chi chuyên môn. Các trường thu vượt học phí để bù đắp các chi phí mua sắm vật tư, thiết bị chứ không phải thu vượt để tăng thu nhập giảng viên, điều chúng tôi đã tuyệt đối cấm” - bà Dương chia sẻ.
Dù chưa nắm được mức thu học phí sắp tới của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM “vượt rào” thế nào, nhưng bà Dương cũng cho biết kết quả kiểm toán năm 2010-2011 đã kết luận trường thu học phí vượt mức (gọi là thu ngoài chế độ). Trường đã giải trình các khoản thu này nhằm tăng cơ sở vật chất, tăng điều kiện thực hành. Vì lý do này, cả kiểm toán và Bộ Tài chính đều phải cân nhắc.
Thực tế Bộ Công thương đã xin ý kiến Bộ Tài chính được ghi thu (để tăng ngân sách), ghi chi (để đầu tư cơ sở vật chất), không truy thu khoản trường đã thu vượt (vì trường đã tiêu hết), nhưng Bộ Tài chính trả lời việc xử lý này vượt tầm nên Bộ Công thương phải báo cáo Chính phủ. “Có thể mức thu vượt của trường không nhiều, ví dụ đáng 100.000 đồng họ thu 120.000 đồng. Song do số lượng sinh viên lớn, lên đến cả trăm nghìn, nên mới thành tiền tỉ. Nếu tôi nhớ không nhầm, số thu ngoài chế độ của trường năm 2010 là 15 tỉ đồng và năm 2011 cũng ở mức tương tự” - bà Dương nói.
97% kinh phí chi lấy từ... học phí, liên kết đào tạo
Bà Nguyễn Hồng Dương cho rằng những trường thuộc bộ này đang phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với các trường trực thuộc Bộ GD-ĐT. “Bộ Công thương có tổng cộng 33 trường ĐH, CĐ nhưng mỗi năm ngân sách cấp cho các trường chỉ 400 tỉ đồng. Các trường thuộc Bộ GD-ĐT được hỗ trợ toàn phần hoặc phần lớn, trong khi các trường của Bộ Công thương chỉ được ngân sách chi rất ít. Trường được hỗ trợ nhiều nhất là 40% chính là những trường khó khăn nhất. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có nguồn thu nên bộ chỉ hỗ trợ được 20 tỉ đồng/năm, chưa đủ mức chi của trường trong... một tháng. Nghĩa là ngân sách chi cho nhà trường chỉ đáp ứng 3% nhu cầu, còn lại đến 97% trường phải lấy từ học phí và các hoạt động liên doanh, liên kết trong và ngoài nước” - bà Dương phân tích.
NGỌC HÀ - Tuoitre Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét