Quảng cáo Trái
Quảng cáo phải
Liên hệ Quảng Cáo: 01234.552.993 | Emai:fpt_thanhld@yahoo.com
Facebook Facebook Google+ Google+ Zing Zing Me Youtube Youtube Twitter Twitter RSS RSS
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ben Tre. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ben Tre. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Cô gái Bến Tre trở thành Người đẹp Phụ nữ thời đại

Á khôi xứ dừa Phương Thảo vượt qua 20 thí sinh để đoạt giải nhất cuộc thi nhan sắc qua ảnh.

Người đẹp cao 1,72m, nặng: 49 kg, số đo: 84 - 61 - 92. Trước đó, cô từng đoạt danh hiệu á khôi cuộc thi "Người đẹp xứ dừa". Trong phần giao lưu với khán giả, Phương Thảo chia sẻ, cô tham gia cuộc thi với mong muốn giao lưu và học hỏi. Ngoài ra, cô muốn thể hiện sự tự tin, năng động và hiện đại của người con gái Việt. Ước mơ sau này của cô là trở thành nữ doanh nhân thành đạt.

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Bến Tre: Phạt 11 triệu đồng tiệm “bánh mì nổi tiếng” gây ngộ độc

Phạt 11 triệu đồng tiệm “bánh mì nổi tiếng” gây ngộ độc - Tuoitrebentre.vn
Ngày 6- 6, Thanh tra Sở Y tế Bến Tre cho biết vừa ra quyết định xử phạt tiệm bánh mì Minh Tuyến (số 308 B, đường Đồng Khởi, phường Phú Khương, TP Bến Tre) số tiền 11 triệu đồng do những vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bến Tre: Phạt 11 triệu đồng tiệm “bánh mì nổi tiếng” gây ngộ độc

Quyết định này được đưa ra sau khi Viện Pasteur TP HCM công bố kết quả kiểm nghiệm cho thấy các loại thực phẩm bên trong bánh mì này như thịt, đồ chua, pa-tê, bơ… đều nhiễm các loại khuẩn E. Coli, Coliform và Shigella ở mức cao.

Tính từ 23 đến 28-5, tại Bến Tre đã có 163 người nhập viện do các triệu chứng ngộ độc như ói mửa, tiêu chảy kéo dài, sốt cao, đau bụng. Các bệnh nhân được hỏi đều cho biết đã ăn bánh mì mua tại tiệm Minh Tuyến vào chiều tối 22-5.

Theo Thanh tra Sở Y tế Bến Tre, các lỗi vi phạm của tiệm bánh mì Minh Tuyến bao gồm: Quy trình chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đã hết hạn; người trực tiếp sản xuất thực phẩm không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động và không thực hành vệ sinh cá nhân theo quy định.

Bên cạnh mức phạt trên, tiệm bánh mì Minh Tuyến còn bị yêu cầu ngưng hoạt động cho đến khi có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm mới.

Nguồn Tuoitrebentre.vn
Theo: G. Hòa - Người Lao Động

Phan Thanh Giản (1796- 1867)

I. Tiểu sử:

Phan Thanh Giản (chữ Hán: 潘清簡; 1796-1867), tự là Tĩnh Bá, Đạm Như, hiệu là Ước Phu, Lương Khê; là một danh sĩ, một đại thần triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
Phan Thanh Giản xuất thân trong một gia đình nghèo khổ. Tương truyền tổ phụ Phan Thanh Giản là Phan Thanh Tập, hiệu Ngẫu Cừ, sống thời nhà Minh. Sau khi nhà Minh bị nhà Mãn Thanh tiêu diệt, Phan Thanh Tập di cư sang phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (Việt Nam). Nơi đây ông cưới vợ tên Huỳnh Thị Học, sinh được một trai tên là Phan Thanh Ngạn tục gọi là Xán.

Năm 1771, gia đình ông Ngạn vào Nam tạm cư ở Thanh Trông, thuộc tỉnh Định Tường Sau dó lại dời về Mân Thít, trấn Vĩnh Thanh (thuộc Vĩnh Long ngày nay), rồi lại dời về ở huyện Bảo An, phủ Hoằng Trị, cũng thuộc tỉnh Vĩnh Long. Cuối cùng ông Ngạn đến lập nghiệp tại thôn An Hòa, làng Tân Thạnh, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thạnh (nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre).

Ở đây, ông cưới người vợ tên Lâm Thị Bút. Ngày 11 tháng 11 năm 1796, bà hạ sinh được một trai tên Phan Thanh Giản. Năm Phan Thanh Giản lên 7 (1802), thì mẹ qua đời, cha cưới người vợ nữa tên Trần Thị Dưỡng để có người chăm sóc con. Bà mẹ kế này rất thương yêu con chống. Đến tuổi đi học, ông theo học với nhà sư Nguyễn Văn Noa ở chùa làng Phú Ngãi.

Năm 1815, vì sự cáo gian của kẻ có thù riêng với gia đình, cha Phan Thanh Giản lúc ấy đang làm Thủ hạp (một viên chức nhỏ), phải ngồi tù.
Nóng lòng vì cha bị hàm oan, ông đệ đơn lên Hiệp trấn Lương (không rõ họ) ở Vĩnh Long xin được thay cha vào tù. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo, viên quan này đã cho ông ở gần nơi cha bị giam cầm, để vừa trao giồi kinh sử, vừa có cơ hội thăm cha mỗi ngày. Sau khi cha được mãn tù, nghe lời Hiệp trấn Lương, Phan Thanh Giản ở lại Vĩnh Long để tiếp tục học và chờ đợi khoa thi. Tại đây, ông gặp một người đàn bà nhân hậu tên Ân. Bà này đã giúp ông tiền và cơm, áo...để tiếp tục theo đuổi việc đèn sách.

II. Ra làm quan:

- Năm 1825, ông đậu Cử nhân khoa Ất Dậu. Sau đó một năm, ông đậu đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Minh Mạng thứ 7 (1826), vào năm 30 tuổi. Ông là người đậu Tiến sĩ khai khoa ở Nam bộ.

- Từ đấy, ông làm quan trải ba triều, là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.

- Dưới triều Minh Mạng, ông lần lượt giữ các chức vụ: Hàn lâm viện biên tu, rồi Lang trung bộ Hình (1827), Tham hiệp tỉnh Quảng Bình (1828), Hiệp trấn tỉnh Quảng Nam (1828), Quyền nhiếp Tham hiệp tỉnh Nghệ An (1829), Lễ bộ tả thị lang và tham gia nội các (1830), Hàn lâm viện kiểm thảo sung Nội các hành tẩu và Hộ bộ viên ngoại lang (1832), Đại lý tự khanh sung Cơ mật viện đại thần (1834), Kinh lược trấn Tây (1835), Tuần phủ Quảng Nam (1836), Thống chánh sứ và Phó sứ rồi Hộ bộ thị lang (1839). Dưới triều Minh Mạng, ông đã ba lần bị giáng chức, trong đó có lần ông phải làm "Lục phẩm thuộc viên", tức giữ việc quét dọn, sắp đặt bàn ghế ở chốn công đường (1836).

- Dưới triều Thiệu Trị, ông làm Phó chủ khảo trường thi Thừa Thiên (1840), Phó đô ngự sử Đô sát viện (1847).

- Dưới triều Tự Đức, ông phụ trách giảng dạy và điều khiển trường Kinh Diên, rồi làm Tổng tài coi việc biên soạn bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1848), Thượng thư bộ Lại, sung Cơ mật viện đại thần (1849). Năm 1850, ông được cử vào trấn nhậm miền Tây Nam Kỳ cùng với tướng Nguyễn Tri Phương. Sau đó, được phong làm Kinh lược sứ Nam Kỳ.

III. Thương nghị với người Pháp:

- Năm 1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha đổ bộ và tấn công tại cửa biển Đà Nẵng rồi lần lượt đánh chiếm các tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Ông Phan Thanh Giản với vai trò là Chánh sứ và Lâm Duy Hiệp là Phó sứ được cử đi điều đình với Pháp, sau đó đại diện cho triều đình Tự Đức ký kết hiệp ước hòa bình và hữu nghị Hòa ước Nhâm Tuất ngày 5 tháng 6 năm 1862 tại Sài Gòn.

- Hiệp ước gồm 12 khoản, theo đó, ba tỉnh Biên Hòa Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn (Côn Đảo) được nhượng cho Pháp (Khoản 3 Hiệp ước); triều đình phải trả cho Pháp và Tây Ban Nha một khoản bồi thường chiến phí là 4 triệu piastre trong 10 năm, mỗi năm 400.000 đồng (quy ra bạc là 288 nghìn lạng-Khoản 8 hiệp ước); đổi lại, người Pháp sẽ trả lại tỉnh Vĩnh Long cho triều đình Huế, nhưng kèm theo điều kiện là triều đình phải có biện pháp chấm dứt các cuộc khởi nghĩa chống lại người Pháp ở các tỉnh (Khoản 11 hiệp ước). Do hành động này mà dân gian có câu truyền "Phan Lâm mãi quốc, triều đình khi dân" (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước; triều đình coi thường dân chúng).

- Theo nhà sử học Phan Huy Lê, nguồn gốc và xuất xứ của câu này chưa được làm rõ, theo ông câu này không thấy ghi chép lại trong những tác phẩm viết về Trương Định của những tác giả đương thời, như Nguyễn Thông.

- Tuy việc thương nghị với phía Pháp, vua Tự Đức có cho ông tùy nghi tình thế mà định đoạt nhưng về việc cắt đất, nhà vua có căn dặn Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp ráng sức chuộc lại ba tỉnh với giá 1.300 vạn lạng, còn nếu phía Pháp đòi cắt đất luôn thì kiên quyết không nghe, nhưng Phan Thanh Giản đã phải cắt đất lại còn bồi thường chiến phí.

- Do đó mà hai ông khi trở về đã bị quở trách nặng nề.

Việc chuộc ba tỉnh không thành, Phan Thanh Giản bị cách lưu làm Tổng đốc Vĩnh Long, nhưng rồi lại được cử làm Chánh sứ (Phó sứ là Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản) sang nước Pháp để điều đình một lần nữa về việc chuộc lại ba tỉnh miền Đông (1863), nhưng cũng không đạt được kết quả. Năm 1865, ông được phục chức Hiệp biện đại học sĩ, Hộ bộ thượng thư, sung Kinh lược sứ ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) và được tha tội cách lưu.

- Ngày 20 tháng 6 năm 1867, Pháp đánh chiếm Vĩnh Long (vốn đã được trao trả triều đình Huế ngày 25 tháng 5 năm 1863), yêu cầu ông gửi mật thư cho thủ thành An Giang và Hà Tiên buông súng đầu hàng. Trước sức mạnh áp đảo của Pháp về mặt quân sự, biết thế không thể giữ nổi, nên để tránh đổ máu vô ích, Phan Thanh Giản đã quyết định trao thành, không kháng cự, với yêu cầu người Pháp phải bảo đảm an toàn cho dân chúng. Thế là chỉ trong 5 ngày (20-24 tháng 6 năm 1867), Pháp chiếm gọn ba tỉnh miền Tây không tốn một viên đạn. Sau khi thành mất ông tuyệt thực suốt 17 ngày, rồi uống thuốc độc tự tử vào ngày 4 tháng 8 năm 1867, hưởng thọ 72 tuổi.

- Đền thờ Phan Thanh Giản hiện ở ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, Bến Tre. Và từ rất lâu, nhân dân ở vùng núi Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang vẫn coi ông là một vị thần Thành Hoàng. Ngoài ra ông còn được thờ tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long.

IV. Nhận định về Phan Thanh Giản:

- Phan Thanh Giản được nhiều người kính trọng vì tính cương trực, khẳng khái, hiếu nghĩa, thanh liêm. Tuy nhiên, trong cơn nước biến, thái độ ôn hòa của ông khiến không ít người đã phàn nàn. Tháng 11 năm 1868, vì làm mất Nam Kỳ, triều đình Huế đã xử ông án "trảm quyết" (nhưng vì chết nên được miễn), lột hết chức tước và cho đục bỏ tên ông ở bia tiến sĩ. Mãi đến 19 năm sau (1886) ông mới được vua Đồng Khánh khôi phục nguyên hàm Hiệp tá đại học sĩ và cho khắc lại tên ở bia tiến sĩ.

- Ngược lại, cũng có nhiều trí thức đương thời đã tỏ lòng thông cảm cho ông. Như Nguyễn Thông đã từng dâng sớ lên vua Tự Đức để giãi bày nỗi oan cho ông. Và nhà thơ đương thời Nguyễn Đình Chiểu cũng đã tỏ thái độ thương tiếc, trân trọng ông qua bài thơ điếu:

Minh tinh chín chữ lòng son tạc,
Trời đất từ rày mặc gió thu.

- Trong bài "Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong", một lần nữa Nguyễn Đình Chiểu lại nêu cao tinh thần của Phan Thanh Giản:

Ý người đặng xem tấm bản phong trần, Phan học sĩ hết lòng cứu nước.

Hai con trai của ông, Phan Tôn (1837-1893, tự Quý Tướng), Phan Liêm (1833-1896 tức Phan Thanh Liêm), nổi lên chống Pháp tại tỉnh Vĩnh Long.
Một sĩ quan Pháp là Reunier, người đã từng tham gia chiến tranh ở Trung Quốc và Nam Kỳ, đã nhận xét về ông như sau:
Sống trong 4 tháng gần vị lão thành cao thượng ấy, chúng tôi có thể đánh giá các đức tính của ông ta...trong thời gian vượt biển này (chuyến đi sứ sang Pháp) ông không ngớt được khuyến khích bởi lòng nhiệt thành ái quốc của ông, và thúc đẩy bởi nguyện vọng thực hiện được công chuyện hữu ích cho nước nhà...

- Năm 1963, hành động giao nộp ba tỉnh miền Tây, được Trần Huy Liệu đem ra bàn luận, và đã kết tội ông là kẻ "bán nước" .

- Sau 1975, nhiều đường phố ở miền Nam Việt Nam mang tên Phan Thanh Giản đã bị đổi thành tên khác.

- Cho tới những ngày đầu năm 2008, Viện Sử học Việt Nam mới thống nhất kết luận rằng "Phan Thanh Giản là người nổi tiếng về đạo đức, có nhiều đóng góp trong lịch sử dân tộc; nên đề nghị tôn vinh ông, cho khôi phục, tôn tạo những di tích và những gì gắn liền với ông"; và đã được giới có thẩm quyền chấp thuận...

- Trong sách Đi & ghi nhớ của Sơn Nam (xuất bản năm 2008), một lần nữa, nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản lại được đề cập trong một đoạn viết như sau:
Hồi xưa, lúc còn nhỏ, tôi (lời thuật của một giáo viên lớn tuổi đi cùng với Sơn Nam) được dạy cẩn thận, khi đi ngang qua miếu Văn Thánh, học trò phải giở nón, cúi đầu để chào ông Phan. Chào ông Phan, (được xem như) là lời thề rửa hận cho ông, cho chớ không phải để bắt chước ông...Người có công nghiên cứu về Phan Thanh Giản là Lê Thọ Xuân, đăng báo Đồng Nai đâu từ năm 1931...với những chi tiết thú vị. Tuy làm quan to nhưng ông tự xem mình như người dân thường ở nông thôn, đối xử như người bình dân, không bao giờ phô trương quyền lực. Xin đề nghị: Trong chương trình Sử học cho học sinh, nên có một bài nói về ông, đủ lý đủ tình...Ông đã để lại cho đời sau chút gì khó quên, khó xóa nhòa, gọi là tâm linh, phóng khoáng, thơ mộng.

V. Tác phẩm:

Phan Thanh Giản là một nhà văn lớn với nhiều tác phẩm giá trị.
Lương Khê thi thảo
Lương Khê văn thảo
Sứ Thanh thi tập
Tây phù nhật kí
Ước Phu thi tập
Tích Ung canh ca hội tập
Sứ trình thi tập
Việt sử thông giám cương mục (Chủ biên)
Minh Mạng chính yếu (Chủ biên).

Nguồn: vi.wikipedia.org

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Nhặt 39 triệu đồng trả lại người mất

chị Trương Thị Vân
Vào lúc 14 giờ ngày 19-3-2013, trên đường đi bán vé số, đến ngã tư ấp An Định 1 và An Định 2 (xã An Ngãi Trung - Ba Tri), chị Trương Thị Vân (sinh năm 1966), ngụ tại ấp An Định 2, nhìn thấy một túi xách tay nằm trên đường. Chị nhặt túi xách, mở ra xem, thấy có rất nhiều tiền.

Chị liền mang đến giao cho Công an xã An Ngãi Trung để trả lại người mất. Sau khi tiếp nhận, lực lượng Công an kiểm tra trong túi xách có 39 triệu đồng và trả lại cho người mất là chị Võ Thị Ph, ngụ tại khu phố 2 (Thị trấn Ba Tri).
Được biết, chị Vân thuộc hộ nghèo, sống bằng nghề bán vé số.

Tin, ảnh: Trần Xiện - Báo Đồng Khởi

Nhộn nhịp ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6

Hàng năm, ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 đã trở thành ngày hội lớn của thiếu nhi trong và ngoài nước. Riêng tại Bến Tre, chương trình ngày hội thiếu nhi Việt Nam 1-6 được xem là hoạt động mở màn cho một loạt các chương trình vui hè diễn ra trên địa bàn tỉnh. Để chuẩn bị cho ngày hội tuổi thơ này, các địa phương trong toàn tỉnh đã tổ chức nhiều sân chơi nhằm tuyển chọn những tiết mục hay tham dự chương trình tại Nhà văn hóa Thiếu nhi Bến Tre vào ngày 1-6-2013.

Ngày Quốc tế thiếu nhi năm nay sẽ mang đến cho các em nhỏ trên địa bàn tỉnh nhiều niềm vui qua 6 hoạt động vui chơi, giải trí tại Nhà thiếu nhi. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến đối tượng là trẻ em nghèo, nhằm “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo” (theo chủ đề của hoạt động hè năm 2013). Phần thi dễ thương và vui tươi nhất là Liên hoan Thể dục nhịp điệu (Aerobic) dành cho đối tượng là các em tuổi mầm non, mẫu giáo, tiểu học và THCS. Môn thi này, năm nay có 26 đội dự thi, các em tham gia thi diễn với phần nhạc, trang phục và đạo cụ tự chọn, khai mạc vào ngày 31-5. Sáng ngày 1-6, Hội thi cờ vua là cơ hội để 120 thiếu nhi trổ tài đấu trí. Song song đó Hội thi vẽ tranh chủ đề An toàn giao thông - Giữ mãi nụ cười trẻ thơ được xem là hoạt động thu hút nhiều thiếu nhi tham gia nhất, thể hiện năng khiếu hội họa của các em nhỏ. Hội thi thiết kế mô hình vào chiều cùng ngày với chủ đề Nông thôn mới quê em là dịp để thiếu nhi nói lên ước muốn qua những vật liệu phế thải như vỏ chai, bao thuốc, túi ni-lông… Liên hoan trò chơi dân gian dành cho thiếu nhi nghèo có hoàn cảnh khó khăn là điểm mới của ngày hội năm nay. Ngoài ra, còn có các gian hàng ẩm thực phục vụ thiếu nhi do các anh chị ở Tỉnh Đoàn, Đoàn khối các Cơ quan tỉnh và Đoàn khối Doanh nghiệp đảm trách.
Tối ngày 1-6, lễ kỷ niệm ngày Quốc tế thiếu nhi sẽ nhộn nhịp với các hoạt động chào mừng như múa lân, biểu diễn các tiết mục xuất sắc, tặng quà và học phẩm cho trẻ em nghèo và trao giải thưởng cho các hội thi, liên hoan.

Tin, ảnh: Thạch Thảo - Báo Đồng Khởi

Nuôi cá lồng bè và ý thức về môi trường

Nhờ nuôi cá lồng bè trên sông, nhiều hộ gia đình đã vươn lên khá giàu. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng lâu dài, người nuôi cần chú trọng vấn đề môi trường và nuôi theo đúng vùng quy hoạch.
* Thực trạng nuôi cá lồng bè

Theo ông Nguyễn Văn Buội - Quyền Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản, hiện nay, toàn tỉnh có 160 cơ sở nuôi cá lồng bè với 516 bè, tổng thể tích 56.374m3. Trong đó, nuôi ngoài vùng quy hoạch 132 cơ sở, 397 bè, tổng thể tích 42.924m3, trên địa bàn các xã Phú Túc, Phú Đức (Châu Thành), xã Long Thới (Chợ Lách) và thị trấn Chợ Lách. Nuôi trong quy hoạch có 28 cơ sở, 119 bè, thể tích 13.450m3, tại các xã Tân Thạch, An Khánh (Châu Thành). Theo đó, việc đăng ký chủ quyền sử dụng lồng bè tại Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản là 32 hộ, 122 bè; đăng ký neo đậu nuôi lồng bè các hộ trong quy hoạch đạt 100% trên địa bàn các xã Tân Thạch, An Khánh (Châu Thành).
Châu Thành là huyện có số lượng nuôi cá lồng bè nhiều nhất. Ông Trần Văn Tiền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện cho biết, toàn huyện có 4 xã nuôi cá lồng bè: Tân Thạch, Phú Đức, An Khánh và Phú Túc, tổng số 118 hộ, với 373 bè, tổng thể tích 43.374m3. Hầu hết người dân nuôi cá điêu hồng, cá lăng, cá lóc. Thức ăn chủ yếu của cá là viên nổi. Anh Nguyễn Văn Chín, ấp Phú Tân - xã Phú Túc là người có nhiều năm nuôi cá bè. Hiện tại, anh có 4 bè cá trên sông và 1 ao ương cá bột bán cho bà con tại địa phương. Anh Chín cho biết, đây là xã không được quy hoạch nhưng điều kiện tự nhiên lại thích hợp cho việc nuôi cá bè. Đã có rất nhiều hộ dân vươn lên khá giàu nhờ loại hình kinh tế này. Khi chúng tôi đến đúng vào dịp anh Chín đang tháo đìa cá bột, với giá bán hiện nay là 43.000/kg, anh Chín có thể cầm chắc trong tay vài chục triệu đồng.
* Cần có ý thức bảo bệ môi trường
Các xã Phú Túc, Phú Đức là vùng quy hoạch nuôi cá tra. Nếu trên đất liền đã quy hoạch nuôi cá tra thì ở dưới sông không thể nuôi cá lồng bè và ngược lại, vì tình hình ô nhiễm môi trường sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nuôi. Theo ông Buội, hiện nay, tình trạng quy hoạch nuôi cá da trơn và nuôi cá bè của tỉnh là hợp lý vì tỉnh chủ trương quy hoạch nuôi cá lồng bè riêng, cá da trơn riêng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của một số xã trên địa bàn huyện Châu Thành là vùng quy hoạch nuôi.
Ông Trần Văn Tiền - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm thay đổi dòng chảy, trong những năm qua xã An Khánh không thể nuôi cá lồng bè. Đây cũng là một trong những nguyên nhân người dân lại đổ về Phú Túc để nuôi cá, trong khi đây không phải là vùng quy hoạch. Để nuôi cá thành phẩm, người nuôi phải mất khoảng 7-8 tháng, nên lượng thức ăn thừa và chất thải do cá thải ra khá nhiều.
Để hạn chế việc ô nhiễm môi trường, người nuôi cần điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với lứa tuổi của cá và thường xuyên vệ sinh lồng bè. Theo anh Chín, những ao cá trong đất liền, khi làm vệ sinh đáy ao, anh sẽ bơm bùn vào vườn cây ăn trái và những bờ đất vườn nhà nhằm nâng cao mặt đất hiện tại, hay bơm quanh đê bao để tôn tạo mặt đê. Đối với bè cá trên sông, anh thường theo dõi quá trình phát triển và điều chỉnh lượng thức ăn để hạn chế tình trạng thức ăn thừa trên sông.
Còn theo ông Buội, Chi cục Nuôi trồng thủy sản phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT cùng chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra việc nuôi cá lồng bè và điều kiện vệ sinh thú y thủy sản bè cá. Đối với những hộ nuôi không theo quy hoạch ngành chức năng yêu cầu các hộ dân ký cam kết sau khi thu hoạch cá sẽ di dời theo đúng vùng nuôi. Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành và Chợ Lách nên tuyên truyền cho người dân hiểu đúng việc quy hoạch nuôi cá da trơn, khi nuôi phải đảm bảo đăng ký chủ quyền sử dụng lồng bè; khuyến cáo người dân nên nuôi ở mật độ thưa, sử dụng thức ăn công nghiệp với lượng vừa đủ; dùng chế phẩm sinh học nhiều nhằm phân hủy chất bẩn đáy ao và giảm lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Bài, ảnh: Trung Nhựt - Báo Đồng Khởi

Bến Tre 24g

Hôm nay: GMT+7
Bản quyền © 2013 - thuộc về Bến Tre 24G | Sitemap
Website được xây dựng trên nền Blogger | Sử dụng hosting miễn phí của Open Driver | Design by L.D.T
Tất cả bài viết trên Website là sự đóng góp của tất cả các thành viên, trích dẫn nguyên văn các bài báo từ các Trang báo mạng uy tính ở trong nước. Bến Tre 24G hi vọng sẽ giúp tất cả tiếp cận một cách nhanh nhất những tin tức mới nhất trong nước cũng như quốc tế. Mọi thông tin góp ý xin vui lòng gửi về địa chỉ fpt_thanhld@yahoo.com . BQT Chân thành cám ơn !
Get advanced web statistics for your site.